Review phim The Guest Hàn Quốc 2018
"Sorrow in the dark. In my heart, in my soul.
Look at me in my fear. I wait for death."
Có lẽ để mở đầu bài review bằng những lời này có phần hơi tiêu cực. Tuy nhiên, tôi lại cho rằng đây là những mô tả đúng nhất về tình cảnh của 3 nhân vật chính trong The Guest – bộ phim kinh dị dài tập của Hàn Quốc ra mắt vào năm 2018. Một bộ phim tôi cho rằng phản ánh khá nhiều góc khuất trong tâm lý con người, những vùng tối này đã nhấn chìm con người vào trong tội lỗi và cảm giác bất lực đến cùng cực. Dù không hề là một bộ phim chữa lành đúng nghĩa, tôi nghĩ người xem vẫn tìm được sự bình yên khi cùng các nhân vật đi đến cuối cùng câu chuyện.
Thật ra, tôi chưa từng nghĩ mình sẽ viết review cho một bộ phim đề tài tâm linh như thế này. Xuất phát từ định kiến của bản thân mà tôi thường tập trung nhiều vào ý nghĩa bộ phim mang lại nhiều hơn là cảm xúc hay tâm trạng khi xem. Nhưng The Guest lại khiến tôi suy ngẫm khá nhiều về từng nhân vật thông qua câu chuyện họ đã trải qua, bởi chỉ khi đối mặt với vấn đề tâm lý bên trong mình mới biết ta thật ra nhỏ bé làm sao.
Nỗi đau mất mát không thể vượt qua
Cả ba nhân vật chính là Yoon Hwa Pyung (tài xế tắc-xi có khả năng ngoại cảm), Choi Yoon (vị mục sư) và Kang Kil Young (nữ cảnh sát) được số phận gắn chung nỗi đau mất mát thông qua cùng một sự kiện diễn ra. Họ có thể lớn lên trong những điều kiện khác nhau nhưng nỗi đau lại tương đồng, và nỗi đau đó cũng lớn lên cùng với họ qua bao năm tháng.
Có lẽ, việc chôn giấu những tổn thương bên trong mình còn khiến con người ta đè nén thêm nhiều cảm xúc khác, giống như công tắc tự hủy dành cho bản thân bất kì lúc nào. Người ta bao bọc bản thân bên trong cái lớp vỏ bất cần, lạnh lùng chỉ để không ai phát hiện ra sự yếu đuối và tuyệt vọng bên trong họ lớn đến mức nào.
Không chỉ các nhân vật chính mà ngay cả những người bị quỷ nhập trong phim cũng thế, bản thân họ đều mang trong mình những nỗi đau mà chẳng thể giải bày cùng ai. Tiếng kêu của họ vang vọng và yếu ớt chìm trong vùng tối vô tận của tâm hồn. Đây chính là điều kiện thuận lợi để “con quỷ” xuất hiện, nó ăn mòn nhân tính và niềm tin bên trong con người họ. Đến cuối cùng khi đã chiếm đoạt hoàn toàn thân xác, con người chẳng còn lại gì ngoài một tâm hồn mục ruỗng và cảm giác trống rỗng cô quạnh.
Sự cứu rỗi đến từ tha thứ
Ai chúng ta đều mang những lỗi lầm mà nếu có thể quay lại quá khứ để chỉnh sửa lại ta chắc chắn sẽ chọn làm lại. Có thể là do không hài lòng với cuộc sống hiện tại bởi ta tin có thể đạt được điều gì đó tốt hơn. Hoặc để tìm lại những người chúng ta không bao giờ muốn đánh mất nhưng đã mất đi trong quá khứ.
Những điều trong quá khứ sẽ ám ảnh và không ngừng khiến ta sống trong sự dày vò đau khổ, cảm giác tội lỗi suốt khoảng thời gian dài. Các nhân vật trong The Guest đã như thế, họ không ngừng tìm ra cách để tiêu diệt kẻ khiến bản thân không ngừng đau khổ nhưng tất cả chỉ vì họ quá ám ảnh về những vết thương trong quá khứ của chính mình. Tuy nhiên, quá khứ là không thể thay đổi và dù ta có làm điều gì cũng không thể làm những vết thương biến mất. Đó là chưa kể đến con người ta không thể tỉnh táo để làm gì được với một trái tim tan nát như thế. Ta chỉ có thể chữa lành khi thôi xâu xé vết thương của chính mình. Bởi chỉ đến khi chấp nhận rằng mình đã yếu đuối, đã tuyệt vọng ra sao chính lúc đó ta mới có thể đối diện và tha thứ được cho bản thân mình.
Lời kết: Đây có vẻ không giống một bài review phim cho lắm mà đa phần là suy nghĩ của riêng tôi về cảm xúc khi xem bộ phim này. Thật ra, nếu tìm kiếm trải nghiệm kinh dị, ma quái thì đây là một đề tài trừ tà khá thú vị và gây cấn. Tuy nhiên, có lẽ chính những vùng tối trong tâm lý của con người lại là nguyên nhân khiến tôi bị thu hút nhiều nhất.
*Trích lời bài hát Somewhere (OST The Guest)
Nhận xét
Đăng nhận xét